Đều dành cho người bị đau thắt lưng, trải qua gần 100 năm cả hai chương trình tập Williams và Mckenzie được sử dụng phổ biến cho tới nay với nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả giảm đau ở những bệnh nhân đau thắt lưng bán cấp và mạn tính nhưng cơ sở lý luận và nhóm cơ đích mà mỗi chương trình nhắm đến là khác nhau.
Bài tập lưng Williams, còn được gọi là bài tập gập bụng hoặc bài tập thắt lưng Williams (Williams back exercises or Williams flexion or lumbar exercises) do tiến sĩ Paul C. Williams đưa ra vào năm 1937. Các bài tập lưng của Williams được khuyên dùng cho những người bị đau thắt lưng để giúp cải thiện tình trạng quá ưỡn ở vùng thắt lưng và tăng cường sức mạnh cho nhóm cơ mông và cơ bụng. Các bài tập này được phát triển đầu tiên cho nam giới dưới 50 tuổi và phụ nữ dưới 40 tuổi có quá ưỡn cột sống thắt lưng từ trung bình đến nặng và có phim X quang cho thấy không gian đĩa đệm bị giảm giữa các đốt sống thắt lưng từ L1 - S1. Ngoài ra, trên lâm sàng những bệnh nhân này có tình trạng đau thắt lưng mãn tính ở mức độ nhẹ đến trung bình. Theo Dr. Paul C. Williams, ở những bệnh nhân có cột sống thắt lưng quá ưỡn, áp lực được đặt vào phần sau của đốt sống thắt lưng làm khoang đĩa đệm mở ra sẽ làm tăng thoát vị đĩa đệm. Và như vậy việc cải thiện tình trạng quá ưỡn sẽ giúp giảm áp lực mà chúng ta đang nói tới đồng thời dẫn đến giảm thoát vị đĩa đệm, do đó làm giảm tỷ lệ đau thắt lưng mạn tính.
Hình 1: Cột sống thắt lưng quá ưỡn
Khi bệnh nhân thực hiện các bài tập thường xuyên, họ giảm được đau, cải thiện sự ổn định của khung chậu dưới và tăng tầm vận động cột sống. Bảy động tác của bài tập Williams bao gồm: 1) Nghiêng chậu, 2) Đưa gối tới ngực một bên, 3) Đưa gối tới ngực hai bên, 4) Ngồi dậy một phần, 5) Kéo giãn gân kheo (cơ hamstring), 6) Kéo giãn cơ gấp hông (cơ thắt lưng chậu) và 7) Ngồi xổm (Squat).
Hình 2: Bài tập Williams
Chi tiết bài tập Williams xem thêm tại đây: Bài tập Williams
Các bài tập lưng McKenzie (McKenzie back exercises) được tiên phong bởi nhà vật lý trị liệu Robin Anthony McKenzie vào những năm 1950 và phổ biến vào khoảng năm 1985. Phương pháp McKenzie, còn được gọi là Chẩn đoán và Trị liệu Cơ học (Mechanical Diagnosis and Therapy-MDT), được sử dụng rộng rãi như một hệ thống phân loại cho chẩn đoán và điều trị một loạt các tình trạng cơ xương khớp, bao gồm đau lưng dưới, cổ và đau tứ chi. [2] Theo thời gian, các bài tập McKenzie đã trở thành đồng nghĩa với các bài tập duỗi cột sống, trái ngược với các bài tập Williams (được đặt theo tên của Tiến sĩ Paul C. Williams) đã trở thành đồng nghĩa với các bài tập gập thắt lưng.
Hình 4: Tư thế sai thường gặp
McKenzie nhận thấy rằng trong sinh hoạt tư thế con người thường xuyên duy trì ở trạng thái gập cột sống. Trạng thái này làm khoang đĩa đệm đốt sống mở rộng từ đó tạo thuận cho sự di chuyển của nhân nhầy trong khối đĩa đệm xơ hóa. Tư thế không đúng này còn kéo theo sự biến dạng cơ học của mô mềm xung quanh cột sống. Do vậy các bài tập tăng cường nhóm cơ duỗi lưng đã ra đời nhằm khôi phục hoặc duy trì trạng thái bình thường cột sống vùng thắt lưng. Theo McKenzie việc chỉnh sửa tư thế và duy trì thường xuyên các bài tập cột sống sẽ giúp ích trong tự điều trị đau thắt lưng ở nhiều trường hợp.
Hình 3: Sự ảnh hưởng của tư thế cột sống lên đĩa đệm
Các bài tập theo phương pháp McKenzie bao gồm 4 bài tập duỗi và 3 bài tập gập. Trong đó có những thận trọng và hướng dẫn đặc biệt khi sử dụng các bài tập gập.
Hình 5: Bài tập McKenzie
Chi tiết bài tập McKenzie xem them tại: Bài tập McKenzie
Trong phục hồi chức năng chương trình tập Williams và McKenzie là hai chương trình tập cơ bản. Hiện nay các bài tập cột sống được phát triển rất đa dạng mang đến nhiều sự lựa chọn cho các nhà vật lý trị liệu. Việc áp dụng chương trình tập nào, sử dụng bài tập nào trong từng giai đoạn phụ thuộc hoàn toàn vào đặc điểm lâm sàng của người bệnh, cơ chế gây đau lưng ở từng bệnh nhân. Nội dung bài viết tạm dừng ở cơ sở lý luận của hai tác giả, mời các bạn đọc chi tiết chương trình tập để biết thêm về chỉ định, chống chỉ định của từng bài tập từ đó có thể đưa ra quyết định trong điều trị.
No comments:
Post a Comment