Thursday, September 03, 2020

Hội chứng khớp liên mỏm khớp - Facet Joint Syndrome: Dịch tễ học, Lâm sàng và Chẩn đoán


1. Dịch tễ học

    Đau mãn tính được xác định là một vấn đề chăm sóc sức khỏe cụ thể và được coi là một bệnh theo đúng nghĩa của nó. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy tỷ lệ đau mãn tính ở cường độ trung bình đến nặng ở người châu Âu trưởng thành là cao, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống xã hội và công việc của họ và do vậy nó trở thành một vấn đề chăm sóc sức khỏe quan trọng. Đau thắt lưng (LBP) là một trong những hội chứng đau phổ biến nhất, là một gánh nặng lớn và tiêu tốn chi phí cho xã hội. Chi phí chăm sóc sức khỏe cao có thể được quy cho nhiều yếu tố, bao gồm thiếu chẩn đoán chính xác, lạm dụng chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật không hợp lý và từ vấn đề bệnh nhân phải ngừng làm việc. LBP dẫn đến các hạn chế chức năng và gây khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là ở người cao tuổi. Do đó, LBP là căn bệnh tốn kém nhất ở các nước công nghiệp, như đã được báo cáo ở Đức với tổng chi phí 48.960 tỷ euro mỗi năm. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ LBP được ghi nhận là từ 15 đến 45% theo các nghiên cứu cắt ngang.

    Hầu hết các cấu trúc cột sống có thể là nguồn của LBP, bao gồm các đĩa đệm gian đốt sống, khớp liên mỏm, khớp cùng chậu và các rễ thần kinh, và có thể được chẩn đoán qua các test bao gồm chẩn đoán hình ảnh. Một số rối loạn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đĩa đệm, có thể dễ dàng được chẩn đoán đúng, dẫn đến điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, nếu LBP mà không do thoát vị đĩa đệm, do khớp liên mỏm vùng thắt lưng và đau khớp cùng chậu thì rất khó chẩn đoán chỉ bằng chẩn đoán hình ảnh. Các tài liệu thường tập trung vào các đĩa đệm gian đốt sống là nguyên nhân của LBP; tuy nhiên, dường như khớp liên mỏm cũng đóng vai trò chính trong việc gây ra LBP. Trong số các bệnh nhân LBP, có sự khác biệt lớn về tỷ lệ đau do khớp liên mỏm được ghi nhận. Các đánh giá cho thấy khớp liên mỏm là nguyên nhân cơn đau chính ở 10-15% bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh LBP mạn tính và cao hơn ở những người già. Nhìn chung tỷ lệ đau do khớp liên mỏm là 27 - 40% ở bệnh nhân mắc LBP mạn tính.

2. Triệu chứng lâm sàng

    Đau do khớp liên mỏm khớp (FJ) có thể lan xuống chi dưới, gần giống như đau thần kinh tọa. Đau thắt lưng “giả rễ” thường lan xuống một hoặc hai bên mông và vùng mấu chuyển (L4-L5), háng và đùi (L2-L5), kết thúc trên gối mà không có các thiếu hụt thần kinh. Tuy nhiên, đau có thể lan tới tận bàn chân, giống như đau thần kinh tọa, đặc biệt trong những trường hợp có chồi xương hoặc u nang hoạt dịch. Bệnh nhân có thể đi khập khiễng do đau. Đau thường tăng vào buổi sáng, sau một thời gian bất động, sau các bài tập nặng, ở tư thế căng giãn cột sống hoặc cử động xoay thân mình, đau có thể khởi phát ở tư thế đứng hoặc ngồi, hay khi sờ nắn vào vị trí khớp. Phạm vi đau lan có thể được chia ra làm vùng đau chính, vùng đau vừa và vùng ít đau như mô tả trước đây của Barlocher và cộng sự. Đau bụng và vùng chậu cũng có thể xuất hiện.


Hình 1: Vị trí đau lan thường gặp do FJ
.

a. Màu xanh lá cây: mặt trước của chi dưới, vùng có thể có triệu chứng đau lan tới
b. Màu xanh dương: mặt sau của chi dưới, vùng có thể có triệu chứng đau lan tới, từ thường gặp nhất (xanh đậm) tới ít gặp nhất (xanh nhạt). Vùng xanh đậm: đau giới hạn ở thắt lưng; xanh vừa: đau lan tới mặt sau mông; xanh nhạt: đau lan xuống mặt sau của chi dưới, có thể xuống qua gối.

3. Chẩn đoán

    Hội chứng khớp liên mỏm khớp không thể chẩn đoán chắc chắn nếu chỉ dựa vào lâm sàng (Jackson RP2 1992). Các phương tiện được sử dụng để chẩn đoán hội chứng này gồm có phim X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Hình ảnh Xquang thường không cung cấp đủ thông tin để chẩn đoán xác định hội chứng khớp liên mỏm khớp nhưng nó có thể giúp đánh giá mức độ thoái hóa. Khi có sự xuất hiện thoái hóa khớp trên phim chụp Xquang thường, có nghĩa là nó đã ở giai đoạn tiến triển.

Một số hình ảnh khớp liên mỏm khớp

 
 Hình 2: MRI màu – Hình ảnh khớp liên mỏm khớp bình thường


Hình 3: MRI thường – Hình ảnh khớp liên mỏm khớp bình thường 


Hình 4: CT – Hình ảnh khớp liên mỏm khớp bình thường


Hình 5 và Hình 6: Xquang thường – Hình ảnh khớp liên mỏm khớp bình thường


Hình 7: CT – Hình ảnh khớp liên mỏm khớp thoái hóa ở các mức độ khác nhau

    Việc chẩn đoán đau Facet, dựa trên tiền sử và khám lâm sàng, có thể được xác định thông qua thực hiện kỹ thuật phong bế để chẩn đoán. Dấu hiệu chỉ điểm dương tính là khi người bệnh giảm đau được 50% sau khi thực hiện kỹ thuật phong bế. Nó bao gồm tiêm thuốc trực tiếp hoặc gần các dây thần kinh chi phối tới khớp. Nếu đau không giảm sau tiêm thì có vẻ như nguồn gốc của cơn đau không phải là từ khớp liên mỏm khớp. Ngược lại, nếu những mũi tiêm này giúp giảm đau, chúng ta có thể nghĩ tới việc đau xuất phát từ khớp liên mỏm khớp.


Hình 8: Tiêm phong bế nhánh trong thần kinh cột sống

    Chẩn đoán phân biệt bao gồm: đau thần kinh tọa thực sự, bệnh lý vùng háng (thoái hóa khớp háng hay viêm túi thanh mạc mấu chuyển lớn) hoặc các rối loạn vùng cùng cụt. Tuy nhiên bệnh căn cụ thể của đau lưng có thể được chẩn đoán chỉ khoảng 15% từ khám lâm sàng đơn độc và hội chứng khớp liên mỏm khớp vùng thắt lưng dường như không phải là một chẩn đoán lâm sàng đáng tin cậy. Kết quả của các nghiên cứu về đau lưng do FJ cho thấy các xét nghiệm hiện có có giới hạn hoặc không có giá trị chẩn đoán. Hơn nữa, bệnh sử và khám thực thể có thể gợi ý nhưng không xác định chắc chắn FJ là căn nguyên của triệu chứng đau.

Nguồn: www.physio-pedia.com

www.ncbi.nml.nih.gov

No comments:

Post a Comment

Bài tập cho người đau lưng - Bài tập Williams

Bài tập lưng Williams, còn được gọi là bài tập gập bụng hoặc bài tập thắt lưng Williams (Williams back exercises or Williams flexion or lum...