Tuesday, April 28, 2020

Phục hồi chức năng sau đột quỵ (Dành cho bệnh nhân và người nhà)

Phục hồi chức năng sau đột quỵ là một phần quan trọng của việc hồi phục sau đột quỵ. Hãy cùng tìm hiểu những gì liên quan đến phục hồi chức năng sau đột quỵ. 

Mục tiêu của phục hồi chức năng sau đột quỵ là giúp bạn học lại các kỹ năng đã mất khi đột quỵ ảnh hưởng đến một phần não bộ của bạn. Phục hồi chức năng sau đột quỵ có thể giúp bạn lấy lại sự chủ động của bản thân và cải thiện chất lượng cuộc sống của mình.


Mức độ nghiêm trọng của các biến chứng sau đột quỵ và khả năng phục hồi của mỗi người rất khác nhau. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người tham gia vào chương trình phục hồi chức năng sau đột quỵ thì đều thực hiện chức năng tốt hơn hầu hết những người không tham gia.

1. Những gì liên quan đến phục hồi chức năng sau đột quỵ? Có nhiều cách tiếp cận phục hồi chức năng sau đột quỵ. Kế hoạch phục hồi của bạn sẽ phụ thuộc vào phần cơ thể hoặc khả năng của cơ thể bị ảnh hưởng bởi đột quỵ.

Các hoạt động thể chất có thể bao gồm:
• Bài tập kỹ năng vận động. Những bài tập này có thể giúp cải thiện sức mạnh các cơ và sự phối hợp của cơ thể.
• Tập luyện di chuyển. Bạn có thể học cách sử dụng các phương tiện di chuyển, như khung tập đi, gậy, xe lăn hoặc nẹp cổ chân. Nẹp qua mắt cá chân có thể ổn định và tăng cường sức mạnh cổ chân nhằm giúp hỗ trợ trọng lượng cơ thể của bạn trong khi bạn tập đi bộ.
• Tập cưỡng bức. Chi bên lành sẽ bị hạn chế trong khi bạn tập vận động chi bên liệt, để giúp cải thiện chức năng của nó. Liệu pháp này đôi khi được gọi là liệu pháp sử dụng bắt buộc.
• Tập theo tầm vận động. Một số bài tập và phương pháp điều trị có thể làm giảm căng cơ (co cứng) và giúp bạn lấy tầm vận động.

Các hoạt động thể chất được hỗ trợ bởi công nghệ có thể bao gồm:
• Kích thích điện chức năng. Điện được sử dụng cho các cơ bị yếu, khiến chúng co lại. Kích thích điện có thể giúp “giáo dục” lại các cơ của bạn.
• Công nghệ robot. Các thiết bị robot có thể hỗ trợ các chi bị yếu bằng việc thực hiện các chuyển động lặp đi lặp lại, giúp các chi lấy lại sức mạnh và chức năng vốn có.
• Công nghệ không dây. Một máy theo dõi hoạt động có thể giúp bạn tăng các hoạt động sau đột quỵ.
• Thực tế ảo. Việc sử dụng các trò chơi video và các liệu pháp dựa trên máy tính khác có liên quan, nhằm thúc đẩy sự tương tác với môi trường thực được mô phỏng.

Các hoạt động nhận thức và cảm xúc có thể bao gồm:
• Điều trị rối loạn nhận thức. Hoạt động trị liệu và Âm ngữ trị liệu có thể giúp can thiệp các trường hợp rối loạn nhận thức, chẳng hạn như trí nhớ, xử lý, giải quyết vấn đề, kỹ năng xã hội, phán đoán và nhận thức được sự an toàn.
• Điều trị các rối loạn về giao tiếp. Âm ngữ trị liệu có thể giúp bạn lấy lại khả năng đã mất trong việc nói, nghe, viết và hiểu.
• Đánh giá và điều trị tâm lý. Kiểm tra tình trạng thay đổi cảm xúc sau đột quỵ. Bạn cũng có thể được tư vấn hoặc tham gia vào một nhóm hỗ trợ.
• Thuốc men. Bác sĩ của bạn có thể kê thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc tác động lên sự tỉnh táo, kích động hoặc di chuyển.

Các liệu pháp thực nghiệm bao gồm:
• Kích thích não không xâm lấn. Các kỹ thuật như kích thích từ trường xuyên sọ đã được sử dụng với một số thành công trong nghiên cứu để giúp cải thiện một loạt các kỹ năng vận động.
• Các liệu pháp sinh học, như tế bào gốc, đang được nghiên cứu, nhưng chỉ nên được sử dụng như một phần của thử nghiệm lâm sàng.
• Các biện pháp thay thế thuốc. Các phương pháp điều trị như xoa bóp, thảo dược, châm cứu và liệu pháp oxy đang được theo dõi đánh giá.

2.      Khi nào nên phục hồi chức năng sau đột quỵ?
Càng bắt đầu phục hồi chức năng sau đột quỵ sớm, bạn càng có nhiều cơ hội lấy lại khả năng và kỹ năng bị mất.
Tuy nhiên, ưu tiên trước mắt của bác sĩ là:
• Ổn định tình trạng sức khỏe của bạn
• Kiểm soát các dấu hiệu sinh tồn (các tình trạng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng)
• Ngăn ngừa cơn đột quỵ khác
• Hạn chế mọi biến chứng liên quan đến đột quỵ
Việc phục hồi chức năng sau đột quỵ thường bắt đầu sớm sau 24 đến 48 giờ từ khi bạn bị đột quỵ, ngay khi bạn đang ở trong bệnh viện.
3.      Phục hồi chức năng sau đột quỵ kéo dài bao lâu?
Thời gian phục hồi sau đột quỵ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đột quỵ và các biến chứng liên quan. Một số người phục hồi rất nhanh chóng. Nhưng hầu hết cần chương trình phục hồi chức năng dài hạn, có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm sau đột quỵ.
Kế hoạch phục hồi chức năng sau đột quỵ của bạn sẽ thay đổi trong quá trình phục hồi khi bạn học lại các kỹ năng và khi nhu cầu của bạn thay đổi. Với việc thực hành tập luyện liên tục, bạn có thể hồi phục nhanh chóng theo thời gian.
4.      Phục hồi chức năng sau đột quỵ diễn ra ở đâu?
Bạn có thể sẽ bắt đầu chương trình phục hồi chức năng ngay khi vẫn còn trong bệnh viện. Trước khi xuất viện, bạn và gia đình sẽ làm việc với nhân viên xã hội ở bệnh viện và nhóm chăm sóc của mình để xác định chương trình phục hồi tốt nhất. Các yếu tố cần xem xét bao gồm nhu cầu của bạn, bảo hiểm nào sẽ chi trả và những gì thuận tiện nhất cho bạn và gia đình.
Một số lựa chọn:
• Đơn vị phục hồi chức năng nội trú. Các cơ sở này là độc lập hoặc là một phần của bệnh viện hoặc phòng khám. Bạn có thể ở lại tại cơ sở này để tham gia vào chương trình phục hồi chức năng chuyên sâu.
• Đơn vị ngoại trú. Những cơ sở này thường là một phần của bệnh viện hoặc phòng khám. Bạn có thể dành một vài giờ tại đây vài ngày một tuần.
• Cơ sở điều dưỡng lành nghề. Các loại chăm sóc tại mỗi cơ sở điều dưỡng là khác nhau. Một số cơ sở chuyên về phục hồi chức năng, trong khi những cơ sở khác cung cấp các lựa chọn trị liệu cường độ ít hơn.
• Các chương trình tại nhà. Ưu điểm là linh hoạt hơn so với các lựa chọn khác. Một nhược điểm là bạn có thể sẽ không được sử dụng các thiết bị tập phục hồi chuyên sâu.
Hãy nói chuyện với bác sĩ và gia đình về lựa chọn tốt nhất cho bạn.

5.      Ai tham gia nhóm phục hồi chức năng sau đột quỵ của bạn?
Phục hồi chức năng sau đột quỵ liên quan đến một loạt các chuyên gia.
Các chuyên gia có thể giúp đỡ trong nhu cầu thể chất bao gồm:
•Bác sĩ. Bác sĩ chăm sóc chính của bạn - Bác sĩ chuyên khoa Thần kinh và bác sĩ Phục hồi chức năng- có thể đưa ra những hướng dẫn chăm sóc và giúp ngăn ngừa các biến chứng. Những bác sĩ này cũng có thể giúp bạn đạt được và duy trì các hành vi lối sống lành mạnh để tránh đột quỵ khác.
• Điều dưỡng phục hồi chức năng. Các điều dưỡng (y tá) chuyên chăm sóc những người bị hạn chế trong các hoạt động có thể giúp bạn kết hợp lại các kỹ năng bạn học được vào thói quen hàng ngày. Các điều dưỡng phục hồi chức năng cũng có thể mang đến những lựa chọn để quản lý các biến chứng ruột và bàng quang sau đột quỵ.
• Kỹ thuật viên vận động trị liệu. Giúp bạn học lại các động tác như đi bộ và giữ thăng bằng.
• Kỹ thuật viên hoạt động trị liệu. Giúp bạn học lại cách sử dụng bàn tay và cánh tay cho các kỹ năng hàng ngày như tắm, buộc giày hoặc cài nút áo. Các kỹ thuật viên hoạt động trị liệu cũng có thể giải quyết các vấn đề về nuốt (ở một số nước) và nhận thức, cũng như sự an toàn trong nhà của bạn.

Các chuyên gia tập trung vào nhận thức, cảm xúc và kỹ năng nghề nghiệp bao gồm:
• Chuyên gia về âm ngữ trị liệu. Giúp cải thiện kỹ năng ngôn ngữ và khả năng nuốt của bạn; đồng thời cũng có thể giúp can thiệp các vấn đề về trí nhớ, suy nghĩ và giao tiếp.
• Nhân viên xã hội. Nhân viên xã hội giúp kết nối bạn với các nguồn lực tài chính, lập kế hoạch sắp xếp cuộc sống mới nếu cần thiết và xác định các nguồn lực cộng đồng.
• Các nhà tâm lý học. Các chuyên gia này sẽ đánh giá khả năng tư duy của bạn và giúp giải quyết vấn đề về sức khỏe tâm thần và cảm xúc.
• Chuyên gia trị liệu bằng giải trí. Các chuyên gia này giúp bạn tiếp tục các hoạt động và vai trò bạn thích trước khi đột quỵ, bao gồm sở thích và sự tham gia vào cộng đồng.
• Chuyên gia tư vấn nghề. Các chuyên gia này giúp bạn giải quyết các vấn đề khi trở lại công việc nếu đó là một mục tiêu của bạn.

6.      Những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của phục hồi chức năng sau đột quỵ?
Khả năng phục hồi sau đột quỵ ở mỗi người là khác nhau. Thật khó để dự đoán bạn có thể phục hồi đến mức nào và trong bao lâu. Nhìn chung, phục hồi chức năng sau đột quỵ thành công phụ thuộc vào:
• Các yếu tố về thể chất, bao gồm mức độ nghiêm trọng của đột quỵ
• Các yếu tố cảm xúc, chẳng hạn như động lực và tâm trạng của bạn, và khả năng gắn bó với các hoạt động phục hồi chức năng ngoài các buổi trị liệu
• Các yếu tố xã hội, chẳng hạn như sự hỗ trợ của bạn bè và gia đình
• Các yếu tố liên quan tới trị liệu, bao gồm việc bắt đầu sớm chương trình phục hồi chức năng và kỹ năng của “nhóm phục hồi” đột quỵ tham gia điều trị cho bạn
Tốc độ phục hồi nói chung là lớn nhất trong vài tuần và vài tháng sau đột quỵ. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy các chức năng có thể cải thiện thậm chí 12 đến 18 tháng sau đột quỵ.
Phục hồi chức năng sau đột quỵ cần thời gian
Phục hồi sau đột quỵ có thể là một trải nghiệm lâu dài và không thoải mái với chính bạn. Tuy nhiên đó là điều bình thường khi đối mặt với khó khăn trên quãng đường hồi phục ấy. Nỗ lực cố gắng và sẵn sàng thực hiện để cải thiện sẽ giúp bạn đạt được nhiều kết quả nhất.

Nguồn: Mayoclinic.org

No comments:

Post a Comment

Bài tập cho người đau lưng - Bài tập Williams

Bài tập lưng Williams, còn được gọi là bài tập gập bụng hoặc bài tập thắt lưng Williams (Williams back exercises or Williams flexion or lum...